Chị đã đi xa rồi! nhưng đâu đâu gần đây, chúng em vẫn bắt gặp nụ cười thân ái, cử chỉ thân thiện… của người thầy, người Chị rất tài năng, lúc nào cũng nâng đỡ, đẩy đàn em tiến lên phía trước.
Từ 1962, tôi đã là học trò của Chị. Lúc đó, Chị là cô giáo dạy Anh văn cho lớp Cán sự XH chúng tôi. Trong ngành CTXH, học ngoại ngữ (Anh, Pháp) là một trong những môn học rất cần thiết để nghiên cứu tài liệu, để giao tiếp khi cần. Do vậy ngoài việc học như thường lệ, chương trình học rất chú trọng đến khả năng đàm thoại để trao đổi, thảo luận/ bàn bạc theo từng chủ đề. Học với Chị, giờ đàm thoại chúng tôi nắm bắt ý rất nhanh và đàm thoại hết sức sôi nổi. Nhưng cũng có một buổi học, chúng tôi lại rất lờ đờ, chậm chạp, lười nói. Chị ngạc nhiên lắm, Chị luôn gợi { để chúng tôi tham gia, nhưng sao mà chúng tôi vẫn im lặng, có bạn còn khúc khích cười mỉa! Không kiên nhẫn được nữa, Chị đã thốt lên: “Sao hôm nay có nhiều người “stoned head” thế? Chị cười và chúng tôi tự phá lên cười. Chị tiếp: “Tôi nói vậy mà các bạn vẫn cười được à?! Chúng tôi vẫn lại cười, và chị bắt ngay vào giờ học: “Nào chúng ta cùng tìm hiểu, phân tích từ “stoned head” nhe, cả về ý nghĩa, cả về ngữ pháp, và giờ học lại sôi nổi, hào hứng trở lại… Giờ học với Cô là vậy đó, không gò bó, không căng thẳng, không nặng nề… mà hết sức tự nhiên, thực tế và đã cuốn hút chúng tôi.
Đến giữa năm 1963, sau hơn nửa năm thực tập tại các chẩn y viện, bệnh viện, tôi được trường chuyển sang thực tập về CTXH và tôi trở thành thực tập viên đầu tiên của Chị tại Trung tâm Thanh Cần và chị là GĐ của Trung tâm. Lần đầu tiên đi thực tập về CTXH, tôi có nhiều âu lo ngày đầu tiên. Tôi hết sức chỉnh chu trong trang phục áo dài. Tôi đến nơi thực tập, sớm hơn giờ qui định rất nhiều với hành trang chuẩn bị là ôn tập rất kỹ những kiến thức liên quan đến vấn đàm, vãng gia vừa mới học được. Tôi được Chị đón ngay tại cổng Trung tâm với nụ cười hết sức thân thiện. Chị còn hỏi tôi: “Sao em đi sớm vậy? (Chị cũng đã quên rằng Chị cũng đã có mặt rất sớm để đón tôi. Đây cũng là bài học để sau này khi là Kiểm huấn viên tôi cũng đã thực hiện như Chị đó). Hai thầy trò cùng trao đổi bàn bạc nhằm giúp cho tôi hiểu thêm về mục đích hoạt động của Trung tâm Thanh Cần, công việc của tôi… bổng gợi ý: “Hiện trung tâm đang rất cần một nhân sự để về khu xóm Vườn Xoài phục vụ cho công tác vãng gia. Em “làm” được chứ?”. Tôi đã nhận việc với ý kiến “đề nghị Chị hướng dẫn cho em cách làm”. Chị nhõ nhẹ bảo: “Em cứ phác họa theo ý em và tự làm thử đi. Trước khi kết thúc thời gian thực tập một tuần, chị sẽ xem kết quả em làm và sẽ có những bổ sung nếu cần. Em hãy yên tâm. Khi làm nếu có gặp khó khăn gì, em báo cho chị biết.
Tôi tự lên kế hoạch và bắt tay vào việc đi vòng vo khảo sát toàn cảnh khu xóm trước trong chiếc áo dài. Hôm đó, Chị nhắc tôi “Em ơi, làm việc tại khu xóm lao động mà em mặc áo dài, giống cô giáo quá, ít nhiều có khoảng cách với người dân. Chị nghĩ nếu em mặc áo bà ba sẽ dễ cho em hơn” (thời đó con gái chúng tôi khi ra đường là phải mặc áo dài hoặc áo đầm hoặc quần tây). Tôi đã nghe lời Chị, đem bộ bà ba lên Trung tâm thay thế áo dài và đi vào khu xóm lân la làm quen bà con và làm công việc của mình. Tôi được bà con đón nhận và tôi đã hoàn tất công việc sớm hơn qui định thời gian. Tôi đã trình Chị sản phẩm đầu tay của mình. Chị đã trân trọng và xem kỹ bản sơ đồ tôi đã vẽ và như lần vào ký ức để kiểm tra kết quả tôi làm. Chị đã nhận định ngay và cũng là lời khích lệ tôi – một thực tập viên nhiều nhút nhát, thiếu tự tin: “Sao em giỏi quá vậy? Chị tưởng em chỉ phác họa các lối đi chính, các số nhà ở đầu hẻm mà thôi. Nào ngờ em vẽ rất rõ và rất chi tiết, thật cụ thể, sẽ giúp ai đó muốn biết đường đi nước bước trong xóm Vườn Xoài này được thuận lợi, dễ dàng hơn. Chị cám ơn em”. Tôi như mở cờ trong bụng, rất mừng rất mừng, đã có phần tự tin hơn, nhất là khi Chị nói: “Cuối kz thực tập, Chị sẽ ghi nhận xét rất tốt về em để gửi về trường”. Tôi đã rất xúc động từ sự thẳng thắn, rõ ràng khi kiểm huấn thực tập viên của Chị. Chị là cô giáo, là kiểm huấn viên thực tập như vậy đó.
Ảnh minh họa về cố Thạc sĩ Oanh
Sau 1975, Chị đã có những trăn trở, nhiệt huyết gầy dựng/ khôi phục lại ngành CTXH và tôi cũng là một trong những học trò ngày xưa của Chị, đã được Chị trao đổi bàn bạc. Rất tiếc là tôi không có đủ điều kiện để hợp tác, đồng hành cùng Chị. Nhưng những việc Chị đã tâm huyết dấn thân, đã dành cho ngành CTXH là vô bờ bến. Những gian nan, truân chuyên là không tránh khỏi, nhưng với quyết tâm và sự đồng hành, hỗ trợ của rất nhiều người là đồng nghiệp, bạn bè, học trò nhiều thế hệ, nên trước ngày chị “đi xa”, sự dầy công của Chị đã đem lại trái ngọt cho ngành, nghề CTXH đã được Nhà nước công nhận.
Xin cám ơn Chị, người đã có những đóng góp không mệt mỏi, thầm lặng, nhưng rất đáng kể cho sự phát triển, hồi sinh của ngành CTXH nước nhà.