Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 lần đầu tiên vào đầu năm 2020, sau đó lần lượt đợt thứ hai, thứ ba và đặc biệt là kể từ tháng 4 năm 2021, làn sóng COVID19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam.
Đến cuối tháng 7, TP.HCM đã trở thành tâm điểm của đại dịch, với khoảng 60.000 lao động chính thức bị mất việc làm, hầu hết là lao động nhập cư. Chính phủ đã có những hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, tuy nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu to lớn và cấp bách của người lao động trong cuộc khủng hoảng kinh tế, y tế và xã hội này. Nhiều người lao động phi chính thức vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ này do quy trình hành chính rườm rà và các tiêu chí không phù hợp với thực tế.
Trong đó, nhóm lao động phi chính thức thu gom rác dân lập không thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ của Chính phủ, thu nhập bị giảm sút do không thu được tiền công từ các khu phố bị cách ly, nhiều hộ gia đình đóng cửa về quê, hộ kinh doanh ngưng hoạt động...; không có thu nhập thêm từ việc bán ve chai do các chủ tiệm mua ve chai cũng phải đóng cửa. Chính vì thế, cuộc sống của người thu gom rác gặp nhiều khó khăn, không đủ chi tiêu các khoản sinh hoạt trong gia đình (như tiền thuê nhà, ăn uống…) và mua các trang thiết bị bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc.
Đối mặt với tình trạng lao động thu gom rác có thể rơi vào cảnh bị thiệt thòi, đói và nghèo, Tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn CTXH và PTCĐ (SDRC) với sự tài trợ của Đại Sứ Quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, tiến hành thực hiện hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền mặt cho 373 người thu gom rác tại 5 Quận trên địa bàn TP.HCM để họ có thể linh hoạt lựa chọn trong việc quyết định các nhu cầu ưu tiên của họ như mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, tiếp cận các cơ sở và dịch vụ y tế khẩn cấp cho người nhà ốm đau, trả tiền nhà hoặc gởi về quê để có thể chăm lo cho những người thân trong gia đình.
----------
Trung tâm Ngiên cứu - Tư vấn CTXH và PTCĐ