[CẬP NHẬT] GÓI HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO NGƯỜI THU GOM RÁC TẠI TP.HCM GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Viết bởi: Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn CTXH và PTCĐ

18/11/2021

Triển khai cấp phát gói hỗ trợ dành cho người thu gom rác tại TP.HCM gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ được sự tài trợ của Đại Sứ Quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Tổ chức Oxfam Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn CTXH và PTCĐ (SDRC) thực hiện.

SDRC đã triển khai gói hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời; trực tiếp trao gói hỗ trợ 1.500.000 đồng đến 373 người thu gom rác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhiều người thu gom rác vô cùng xúc động khi nhận được gói hỗ trợ để phần nào giảm bớt gánh nặng của gia đình trong mùa dịch. Bên cạnh gói hỗ trợ khẩn cấp, SDRC còn hỗ trợ về tinh thần, tâm lý và kiến thức cho người thu gom rác để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.

 

* Một số câu chuyện được thực hiện bởi người thu gom rác

CÂU CHUYỆN SỐ 1:  VƯỢT QUA NỖI ĐAU   

Chị Phượng 31 tuổi và Anh Sang 32 tuổi là 2 vợ chồng đều lao động thu gom rác thuộc HTX Môi Trường Quận 4, quê ở Cà Mau. Do tính chất công việc thu gom rác không ai thay thế được kể cả ngày lễ tết nên 2 anh chị đã 14 năm nay chưa 1 lần về thăm quê. Chị Phượng không may bị nhiễm Covid-19 vào giữa tháng 8 trong quá trình đi thu gom rác ở các khu vực dân cư bị cách ly y tế có người nhiều ca F0. Theo chị Phượng khả năng cao bị lây nhiễm khi tiếp xúc với rác y tế (bộ test Covid nhanh, rác thải của ca nghi nhiễm, ca F1) trộn lẫn với rác thải sinh hoạt. 

Chị Phượng sau đó lây nhiễm cho con gái 14 tuổi và các thành viên khác trong gia đình gồm: ba mẹ, 4 anh chị em và 3 đứa cháu. Còn anh Sang chồng chị may mắn âm tính và chỉ bị cách ly 14 ngày tại nhà. Chị có tổng cộng 28 ngày bị cách ly nên mất thu nhập hoàn toàn.

Ít ngày sau khi có kết quả test PCR dương tính, chị Phượng và con gái phải đi cách ly ở khu cách ly giã chiến tại huyện Nhà Bè, những người nhà còn lại cách ly ở nơi khác. Cùng ngày đó thì Chị Phượng hay tin mẹ ruột của mình bị chết sau vài ngày bị nhiễm Covid tại Bệnh viện. Khi nghe tin cú sốc này từ người nhà, chị suy sụp hoàn toàn. Trong những ngày trong khu giãn cách chị tự động viên để vượt qua nỗi đau vì đứa con gái bé nhỏ của mình.

Chị Phượng vừa nhận được hủ tro cốt mẹ của mình cách đây 3 hôm trước (sau 45 ngày mẹ chị mất). Chị Phượng lập bàn thờ mẹ mình ở phòng trọ, dự định sau khi dịch được kiểm soát và giao thông được đi lại giữa các tỉnh thì chị sẽ đưa hủ tro cốt của mẹ mình về quê Cà Mau để thờ cúng ở quê nhà.

Hôm nay Chị cảm thấy ấm lòng, được an ủi và biết ơn khi cùng chồng được nhận 3 triệu đồng từ gói hỗ trợ của Lãnh Sự Quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho những người thu gom rác là 1,5 triệu đồng/người. Khoản tiền này giúp chị trả một phần tiền thuê nhà trọ, mua thức ăn, đồ dùng học tập cho con gái bước vào năm học mới 2021-2022…

 

CÂU CHUYỆN SỐ 2: NỖI NHỚ NHÀ MÙA DỊCH COVID 19

Vợ chồng Anh Điệp & chị Vân là lao động thu gom rác thuộc HTX Thu gom rác Quận 6 – Tp.HCM. Hai anh chị nhà ở Long An cách điểm thu gom rác ở Quận 6 khoảng 35km với thời gian đi xe máy trung bình 1h30. Hàng ngày Anh Chị đi làm xong việc rồi lại về nhà giữa điểm thu gom rác tại Quận 6 Tp HCM và Huyện Cần Guộc, tỉnh  Long An.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Sài Gòn ra chỉ thị 16 vào ngày 9/7/2021 mà Anh chị không kịp nắm bắt thông tin (yêu cầu ai ở đâu, ở yên đấy) nên anh chị bị mắc kẹt tại luôn 3 tháng tại Quận 6 – Tp.HCM, ngày đó 2 vợ chồng chỉ có bộ quần áo mặc trên người. Thời gian đầu Anh chị không kịp trở tay nên không có nơi nghỉ ngơi đành phải ngủ ngoài trời vĩa hè gần Bô Rác Quận 6. Sau đó ít hôm Anh Chị tìm thuê được phòng trọ cách đó gần 1km với giá 1,5 triệu đ/tháng. Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng ở đây, khi vào nhà trọ trống trơn. Anh chị lúc đó chỉ còn ít tiền mặt và mọi vật dụng sinh hoạt hoàn toàn không có gì như nềm mùng, quần áo, đồ dùng cá nhân ...  Anh chị nhờ bà con khu trọ thương tình chia sẻ mền mùng, quần áo cũ. Ăn uống từ những suất cơm từ thiện hoặc mì gói qua ngày. Trong khi đó 2 người con của Anh chị cũng bị mất việc làm và không có thu nhập, mỗi đứa ở mỗi nơi. Đứa con trai lớn nhân viên bán bảo hiểm hoàn toàn mất thu nhập và bị mắc kẹt ở nhà trọ 3 tháng ở Quận 7, con trai út thì lao động tự do ở quê nhà cũng không có thu nhập trong thời gian này.

Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 này ở Tp HCM, Anh chị vẫn phải hàng ngày thực hiện công việc thu gom rác của mình còn nặng nhọc và nguy hiểm hơn những ngày xã hội sinh hoạt bình thường. Do Khu phố Lò Gốm – Quận 6 nơi anh chị thu gom rác bị phong tỏa vì có rất nhiều ca nhiễm bệnh Covid. Hàng ngày Anh chị tiếp xúc với lượng rác thải sinh hoạt nhiều hơn và rác y tế lẩn với rác sinh hoạt có tính độc hại nguy hiểm hơn. Nhưng Anh chị nhờ tuân thủ 5K và may mắn nên không bị nhiễm bệnh. Dù khó khăn rất nhiều nhưng anh chị luôn cố gắng làm tốt công việc của mình mỗi ngày cho khu phố luôn sạch sẽ.

Số tiền mà Anh chị nhận được mỗi người 1,5 triệu đồng từ đợt quỹ hỗ trợ này của sứ quán Thụy sĩ đối với Anh chị rất quý giá, số tiền này anh chị gởi hỗ trợ cho 2 đứa con cũng bị mất việc và mua nhu yếu phẩm ... Vì trong suốt đợt dịch vừa qua Anh chị vẫn chưa nhận được gói hổ trợ nào từ Thành Phố & địa phương (do là người mới tạm trú tại địa phương), trong khi thu nhập của anh chị bị giảm vì giản cách xã hội, anh chị do không thu được tiền , cũng không bán được ve chai mà phải trả thêm tiền nhà trọ.

 

CÂU CHUYỆN SỐ 3: VƯỢT KHÓ SINH CON ĐẦU LÒNG TRONG MÙA DỊCH COVID-19

Vợ chồng Anh Lợi và Chị An là xã viên HTX Môi Trường Quận 11. Trong đợt dịch thứ 4 vừa rồi Anh Chị gặp vô văn vàn khó khăn khi vào cuối tháng 6 khu nhà)trọ của Anh chị bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19. Để đảm bảo công việc thu gom rác không bị ảnh hưởng và tránh rác bị ùn ứ, Anh Lợi đã quyết định tự cách ly không về khu nhà trọ của mình. Anh đăng ký xin ăn ngủ hơn 20 ngày luôn tại Chốt là điểm sinh hoạt HTX Môi Trường Quận 11 (Chốt này đặt tại vĩa hè ngay cạnh kênh Lò Gốm).

Anh Lợi ở lại chốt văn phòng HTX Môi trường Quận 11 trong hơn 20 ngày

Trong khi đó Chị An lại đang mang bầu tháng thứ 8 sắp tới kỳ sinh nở nên chị hầu như ở luôn trong phòng trọ mà không dám ra ngoài để tránh bị lây nhiễm Covid và tự chăm sóc mình mà không có chồng ở nhà. Vì thế Anh Lợi phải đi thu gom và làm việc gấp đôi luôn phần việc của vợ, nhưng thu nhập vẫn giảm đi 40% - 50% do không thu được tiền vì các điểm kinh doanh đóng cửa, nhà dân khó khăn ...

Trong thời gian Anh Lợi không về nhà trọ, dù hàng ngày phải làm việc rất nặng nhọc và bận rộn nhưng Anh Lợi vẫn phải dành thời gian thăm hỏi, đi mua thực phẩm và các thứ cần thiết khác để chuyển về cho vợ bầu sắp sinh nở ở phòng trọ cách nơi ở tạm (chốt văn phòng HTX) hơn 30 phút di chuyển bằng xe máy. Ngày chị An vào Bệnh Viện Từ Dũ cách phòng trọ hơn 20km đi sinh cũng là những chuỗi ngày TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Một mình Anh lo chăm sóc vợ vô cùng vất vã và thiếu thốn đủ thứ. Cũng vì Bệnh Viện thực hiện giãn cách nên tiền viện phí (có) tăng do tiền phòng tăng cao hơn bình thường. Nhưng may mắn Chị An sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông. Trong 6 ngày chăm vợ sinh con ở Bệnh Viện, các anh chị em xã viên khác trong HTX Môi Trường Quận 11 thay nhau hổ trợ Anh Lợi thu gom rác liên tục nơi Anh Lợi phụ trách mà bị dán đoạn & không gây ùn ứ rác.

Anh chị rất vui mừng và xúc động khi nhận được 2 suất hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng từ Lãnh Sự Quán Thụy Sỹ. Khoảng tiền này rất có ý nghĩa với Anh Chị khi chị An vừa sinh em bé nên chi phí sinh hoạt rất tốn kém và không có bên nội và bên ngoại hỗ trợ trong thời kỳ giãn cách COVID-19.  

 

 

CÂU CHUYỆN SỐ 4:  KHÓ KHĂN VÌ MẤT VIỆC   

Vợ chồng Anh Dững và chị Chính là người dân tộc thiểu số Khơrme quê ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh lên Tp,HCM làm nghề thu gom rác được 4 năm ở quận 9. Anh chị có 2 con nhỏ 8 tuổi và 9 tuổi nhưng không ở cùng với anh chị mà nhờ bà nội chăm sóc, anh chị đi làm mỗi tháng tích góp thu nhập gửi tiền nhờ bà nội ở quê chăm sóc giúp.

Cao điểm đợt dich Covid-19 vừa rồi bùng phát mạnh, Anh chị bị mất việc làm (vào tháng 6/2021). Thời điểm này, khu vực anh chị thu gom rác bị phong tỏa do có quá nhiều người bệnh vì mắc Covid-19. Anh chị lại không được chủ đường dây rác trang bị cho các trang thiết bị y tế để tránh bị lây nhiễm Covid-19 trong quá trình thu gom rác. Vì thấy quá nguy hiểm đến an toàn cho bản thân nên 2 vợ chồng anh chị xin chủ tạm nghĩ vài ngày. Nhưng rất tiếc chủ đường dây họ thuê người khác thu gom rác nên anh chị mất việc luôn từ đó đên nay sau hơn 4 tháng. Trong 4 tháng mất việc chị Chính hoàn toàn không có việc làm, còn anh phụ việc cho các anh chị ở các đường dây thu gom rác khác khi công việc của họ quá nhiều, bận việc hoặc họ bị đi cách ly. Nhưng thu nhập không đáng kể, không thấm vào đâu trong khi các chi phí tiền trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt, gửi tiền về quê nuôi con vẫn phải chi. 

Với số tiền 3.000.000 đồng mà anh chị nhận được từ gói hổ trợ khẩn cấp từ Lãnh Sự Quán Thụy Sỹ đã giúp anh chị giải quyết được khó khăn phần nào trong tình hình dịch bệnh và bị mất việc làm. Anh chị vô cùng cảm kích và biết ơn đến nhà tài trợ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

---------

Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn CTXH và PTCĐ